Có nên dùng dầu dừa trong chế biến món ăn?

Dầu dừa là “mỹ phẩm” tự nhiên quen thuộc với nhiều chị em. Không chỉ có tác dụng dưỡng ẩm, sử dụng dầu dừa thường xuyên còn giúp làn da sáng khỏe hơn. Dầu dừa còn giúp mái tóc trở nên óng mượt, mềm mại hơn sau 1 tuần sử dụng.

Một vấn đề đặt ra là có nên thêm dầu dừa vào chế biến món ăn và nó có tốt cho sức khỏe hay không? Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên bạn không nên sử dụng dầu dừa với mục đích này.

Có một số bằng chứng cho thấy chất béo bão hòa trong dầu dừa không làm tăng cholesterol. Nguyên nhân là một nửa lượng chất béo của nó không chứa axit lauric tác động để tăng lượng cholesterol xấu. Ngoài ra, các tác động xấu của dầu dừa chỉ xảy ra khi nó bị hydro hóa – tạo ra chất béo chuyển hóa. Do đó, nhiều người cho rằng dầu dừa là thực phẩm lành lạnh, có thể được sử dụng trong chế biến món ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, nghiên cứu của AHA cho thấy dầu dừa chứa hơn 80% chất béo bão hòa, thành phần có liên quan đến việc kích thích mức cholesterol xấu trong cơ thể tăng cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ còn lưu ý rằng không có bất kỳ tác dụng tích cực nào của dầu dừa có thể bù đắp cho nguy cơ này. Bên cạnh đó, họ còn chỉ ra dầu dừa chứa nhiều chất béo bão hòa hơn bơ và mỡ lợn.

Việc sử dụng dầu dừa thay cho bơ hay một loại dầu khác không làm cho món ăn ngon miệng hay tốt cho sức khỏe hơn. Đồng thời, để bảo đảm sức khỏe tim mạch, thay vì sử dụng dầu dừa, hãy dùng các loại dầu đậu nành, oliu, dầu cải,…